Ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp thừa nhận vẫn chưa thể xác định được mốc thời gian hồi phục như trước dịch, do quãng “đóng băng” quá dài và diễn biến Covid-19 trên thế giới vẫn đang phức tạp.
Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ dù đã có chủ trương, nhưng lại lộ ra nhiều điểm yếu, từ việc áp dụng chậm tới nhỏ giọt và dàn trải.
Thời gian giãn thuế không bằng thời gian chờ ra hướng dẫn
Hơn 34.000 doanh nghiệp phá sản trong 3 tháng đầu năm 2020 cho thấy thực tế ảm đạm trước sự càn quét của Covid-19. Trong khi đó, các doanh nghiệp còn lại mới chỉ tạm hoạt động cầm chừng bởi sức mua giảm sâu, xuất khẩu vẫn gần như án binh bất động khi các đầu ra quan trọng như Mỹ, châu Âu vẫn chưa khống chế được dịch. Giữa bối cảnh khó khăn hiện tại, doanh nghiệp vẫn thiếu những chính sách hỗ trợ dài hơi để sống sót và phục hồi.
“Hỗ trợ doanh nghiệp vẫn đang manh mún, lặt vặt”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) mở đầu câu chuyện về việc hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch, tại hội thảo mới đây. Ông lấy ví dụ như việc gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT và tiền thuê đất trong 5 tháng cho các doanh là quá ngắn.
“Khi các cấp quản lý quyết định xong, chờ ra văn bản hướng dẫn, đợi đến lúc thực hiện cũng mất vài tháng, đến khi doanh nghiệp thực sự được áp dụng thì còn quá ngắn”, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng các giải pháp phải hướng tới việc làm sao để tự doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tính toán thời gian hợp lý, ít nhất từ 1-3 năm bởi bối cảnh chung của các doanh nghiệp đang rất khó khăn và cần những chính sách hỗ trợ dài hơi, “ra tấm ra món”.
Đây cũng là điều được ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nêu ra trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước, tại Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. Theo ông, để bảo đảm dòng tiền cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, dự báo còn kéo dài, ngoài chính sách tiền tệ cần tiếp tục giãn thời gian nộp thuế, kể cả 2021. Giãn thuế thường có hiệu quả tức thời và để khắc phục khó khăn tạm thời thường hiệu quả hơn miễn thuế và không làm giảm thu ngân sách.
Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng các doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhất về thị trường, nên kéo dài các khoản phải nộp rất cần thiết để doanh nghiệp giữ được dòng tiền tái sản xuất sau dịch:
“60-70% doanh nghiệp cho biết họ khó tìm thị trường sau dịch bệnh. Việt Nam đang kiểm soát tốt, nhưng nền kinh tế thế giới vẫn khó khăn, đặc biệt với các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Châu Âu. Việc giãn, kéo dài thời gian nộp thuế, lãi ngân hàng sẽ giúp đỡ được các doanh nghiệp Việt Nam”, Chủ tịch VCCI cho hay.
Không hỗ trợ dàn trải, cần lựa chọn tập trung
VCCI đưa ra số liệu cho biết, gần 60% doanh nghiệp bị thiếu vốn hoặc dòng tiền kinh doanh, 45% doanh nghiệp bị thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh và phải thu hẹp lực lượng lao động. Riêng trong quý I/2020, đã có hơn 34.000 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường.
Vì thế, các chuyên gia đồng tình rằng, nếu không được giải nguy kịp thời, khả năng phát triển lâu dài của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Chính sách cần được quyết định sớm, bởi nếu càng chậm trễ, sẽ đứng trước nguy cơ càng nhiều doanh nghiệp sẽ không trụ được, phải giải thể, phá sản.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực hữu hạn, nguyên Viện trưởng CIEM nhận định nên phân loại rõ ràng theo ngành, nhóm doanh nghiệp, không nên cào bằng. Bởi mỗi ngành nghề có chu kì hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhau, như đánh đồng hết việc giãn thuế 5 tháng là không đúng.
“Việc hỗ trợ dàn trải nhiều ngành nghề như hiện nay thực tế sẽ không tạo ra được hiệu quả. Cần hỗ trợ tập trung vào các ngành chịu tác động trực tiếp từ Covid-19 như hàng không, du lịch và đã hỗ trợ thì phải ra tấm, ra món”, vị chuyên gia cho hay.
Đồng quan điểm, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, nhìn vào tình hình thực tế, việc giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT và tiền thuê đất ít nhất 1 năm là hợp lý để doanh nghiệp có thời gian phục hồi.
“Về bản chất, việc gia hạn này cũng giống như nhà nước cho các doanh nghiệp vay chính số tiền thuế đó để có nguồn tiền luân chuyển phục vụ sản xuất kinh doanh. Ngân sách nhà nước không mất gì mà chỉ thu về muộn hơn”, ông nói.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà trong từng chuỗi cần xem xét cả những doanh nghiệp lớn có tính dẫn dắt. Theo TS Lịch, khi các doanh nghiệp lớn phá sản sẽ kéo theo hàng nghìn các doanh nghiệp nhỏ phụ trợ đi theo, vì thế cần tránh sự đổ vỡ mang tính dây chuyền, sẽ gây hệ quả vô cùng lớn.
Việc tính toán kéo dài thời gian của các gói hỗ trợ được coi là liều thuốc sống còn đối với nhiều doanh nghiệp. Chính sách giãn thuế TNDN, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước… đủ dài được xem là một trong những biện pháp tức thời hiệu quả để cứu doanh nghiệp hậu Covid-19, cũng chính là cứu nguồn thu của ngân sách.
Có thể bạn quan tâm
Báo giá chi tiết cho mọi dịch vụ kế toán 2021
Doanh nghiệp Việt Nam “hậu Covid”: Thách thức song hành cùng cơ hội
Giãn thuế cứu doanh nghiệp: Dài hơn và chọn đúng đối tượng
Lịch nộp thuế 2020 mới nhất
Những quy định mới về thuế mới nhất 2020
Học thủ thuật kế toán để trở thành một kế toán chuyên nghiệp
Chia sẻ kinh nghiệm làm kế toán cho người mới đi làm